Trong thời gian qua, tình hình dâm ô trẻ em xảy ra rất nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề về sự phát triển thể chất lẫn tinh thần của trẻ em. Tuy nhiên, việc điều tra, chứng minh hành vi dâm ô rất khó khăn vì vậy ngày 01/10/2019, TAND tối cao ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141,142,143,144,145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi (sau đây gọi là Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP”), có hiệu lực ngày 05/11/2019. Tuy nhiên, Nghị quyết này có những quy định khiến nhiều người quan tâm, thắc mắc như sau:

  1. Tôi Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi được quy định cụ thể như thế nào?
  2. Họ hàng (bác/chú…) hôn người dưới 16 tuổi hay hôn xã giao (kiểu người Pháp) hoặc nựng vào má (kiểu chào đón) sẽ bị xử lý như thế nào?
  3. Học sinh đều dưới 16 tuổi hôn nhau có cấu thành tội dâm ô đối với người 16 tuổi không vì thực trạng học sinh yêu sớm rất phổ biến?

Về vấn đề này, quan điểm của Luật sư Nguyễn Thanh Thanh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thanh & Cộng sự như sau:

Thứ nhất, tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi được quy định cụ thể như thế nào?

Tại khoản 1 Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

  1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Tại khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP quy định:

  1. Dâm ôquy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau đây:
  2. a) Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;
  3. b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi…) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
  4. c) Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
  5. d) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm…) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;

đ) Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy… của người dưới 16 tuổi).

Tại khoản 2, 3, 4, 5 Điều 2 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP quy định:

  1. Bộ phận sinh dụcbao gồm bộ phận sinh dục nam và bộ phận sinh dục nữ. Bộ phận sinh dục nam là dương vật; bộ phận sinh dục nữ bao gồm âm hộ, âm đạo.
  2. Bộ phận nhạy cảmbao gồm bìu, mu, hậu môn, háng, đùi, mông, vú.
  3. Bộ phận khác trên cơ thểlà bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể không phải là bộ phận sinh dục và bộ phận nhạy cảm (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi, mũi, gáy, cổ, bụng…).
  4. Dụng cụ tình dụclà những dụng cụ được sản xuất chuyên dùng cho hoạt động tình dục (ví dụ: dương vật giả, âm hộ giả, âm đạo giả…) hoặc những đồ vật khác nhưng được sử dụng cho hoạt động tình dục.

Căn cứ những quy định trên, người nào đủ 18 tuổi trở lên (cùng giới hoặc khác giới) có hành vi tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác thuộc các trường hợp luật định sẽ phạm Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Thứ hai, họ hàng (bác/chú…) hôn xử lý như thế nào? Nếu hôn xã giao (kiểu người Pháp) hay nựng vào má (kiểu chào đón) sẽ bị xử lý như thế nào?

Như đã trình bày tại phần thứ nhất, Dâm ô  là hành vi tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục.

Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP không quy định như thế nào là tính chất tình dục. Tuy nhiên, theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Thanh Thanh tính chất tình dục có thể hiểu là mục đích của người dâm ô nhằm thỏa mãn dục vọng. Tức là, hành vi tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi phải nhằm thỏa mãn dục vọng mới đủ yếu tố cấu thành Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Nếu bác/chú… hôn, hôn xã giao kiểu Pháp hay nựng má nhưng không nhằm mục đích thỏa mãn dục vọng sẽ không cấu thành tội tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Ngoài ra,

Tại Điều 5 Nghị Quyết 06/2019/NQ-HĐTP quy định:

Người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật, có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục  (ví dụ: cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con dưới 10 tuổi; giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ mầm non…);

Người làm công việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế; người cấp cứu, sơ cứu người bị nạn có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân; sơ cứu, cấp cứu người bị tai nạn, người bị đuối nước…).

Tức là những người mà công việc của họ có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm nhưng không có tính chất tình dục (không nhằm mục đích thỏa mãn dục vọng) sẽ không cấu thành tội dâm ô trẻ em dưới 16 tuổi.

Thứ ba, nếu học sinh đều dưới 16 tuổi hôn nhau thì sao vì thực trạng học sinh yêu sớm rất phổ biến?

Theo quy định tại Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015, Chủ thể của tội phạm này có thể là nam hoặc nữ và là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Người dưới 18 tuổi không là chủ thể của tội phạm này. Vì vậy học sinh dưới 16 tuổi hôn nhau không phạm tội dâm ô.

Mọi thắc mắc và/hoặc cần hỗ trợ pháp lý liên quan đến vấn đề trên vui lòng liên lạc TP LAW để được tư vấn miễn phí theo thông tin sau: E-mail: thanh.tplaw@gmail.com hoặc Điện thoại: 0903 805 552 hoặc đến trực tiếp trụ sở Công ty theo địa chỉ: 203/6/1 Huỳnh Văn Nghệ, P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM./.

Chuyên viên pháp lý: NGUYỄN LÊ THANH LIÊM