028.3831.3123

Tư vấn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Làm thế nào để việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động của người sử dụng lao động là không trái với quy định của pháp luật về lao động?

Vừa qua, Công ty luật TNHH Thanh & Cộng sự có trả lời thư hỏi của bạn đọc về “Làm thế nào để việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động của người sử dụng lao động là không trái với quy định của pháp luật về lao động?”

Tại thư hỏi của bạn đọc có trình bày:

“Công ty tôi muốn đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động với A (do trình độ chuyên môn yếu, kết quả công việc không như mong muốn, đã nhắc nhở bằng email nhiều lần nhưng vẫn không thay đổi)”.

lao_dong_jtpp

Công ty Công ty luật TNHH Thanh & Cộng sự có trả lời có ý kiến như sau:

Người sử dụng lao động khi Đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động cần lưu ý các vấn đề sau:

+  Đây là hành vi pháp lý đơn phương từ phía người sử dụng lao động.

+ Việc chấm dứt cần nêu rõ lý do, lý do chấm dứt được quy định tại Khoản 1, Điều 38 Bộ Luật Lao động 2012, được hướng dẫn chi tiết bởi Điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

+ Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước theo thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều 38 Bộ Luật Lao động 2012.

+ Một số trường hợp đặc biệt mà người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động được quy định tại Điều 39 Bộ Luật Lao động 2012.

thoa-thuan-cham-dut-hop-dong

Trường hợp do khả năng trình độ của người lao động không đáp ứng được nhu cầu của công việc, người sử dụng lao động nên có các phương án giải quyết phù hợp, như:

Một là, Công ty X thỏa thuận với A ký Đơn xin nghỉ việc/Biên bản thỏa thuận chấm dứt Hợp đồng lao động trước thời hạn theo Khoản 3 Điều 36, BLLĐ 2012.

Đối với phương án này, khi thực hiện sẽ không tồn tại hậu quả pháp lý Đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trái pháp luật. Bởi lẽ, đây không phải là hành vi pháp lý đơn phương từ phía người sử dụng lao động, mà là sự thỏa thuận giữa hai bên (người lao động và người sử dụng lao động). A ký Đơn xin nghỉ việc/Biên bản thỏa thuận chấm dứt Hợp đồng lao động trước thời hạn, đồng thời Công ty X thỏa thuận bù đắp một khoản tiền cho A, để đi đến thống nhất chấm dứt Hợp đồng lao động trước thời hạn, đây là thỏa thuận không trái với quy định cấm của pháp luật.

Hai là, Công ty X không thể thỏa thuận với A ký Đơn xin nghỉ việc/Biên bản thỏa thuận chấm dứt Hợp đồng lao động trước thời hạn.

Trường hợp này, nếu Công ty X chấm dứt hợp đồng lao động với A, đây được xem là hành vi pháp lý đơn phương. Theo đó, Công ty X cần phải đáp ứng đủ 03 điều kiện đã nói ở trên để không dẫn đến hậu quả Đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trái pháp luật, cụ thể:

Thứ nhất, việc chấm dứt cần nêu rõ lý do, lý do chấm dứt được quy định tại Khoản 1, Điều 38 Bộ Luật Lao động 2012, được hướng dẫn chi tiết bởi Điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

Theo như nội dung sự việc nêu trên, lý do chấm dợt Hợp đồng lao động với A là do trình độ chuyên môn yếu, kết quả công việc không như mong muốn, đã nhắc nhở bằng email nhiều lần nhưng vẫn không thay đổi.

Như vậy, Công ty X phải chứng minh anh A thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động, thông qua các báo cáo làm việc, các bản tường trình, tự kiểm điểm mà trong quá trình anh A làm việc có vi phạm. Lưu ý, Công ty X phải quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp, làm cơ sở đánh giá người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ do Công ty X ban hành sau khi có ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

Thứ hai, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước theo thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều 38 Bộ Luật Lao động 2012.

A ký hợp đồng lao động có xác định thời hạn, do đó Công ty X cần có văn bản thông báo tới A trước 30 ngày. (Văn bản thông báo cần được giao tận tay A, có biên bản giao nhận nhằm đảm bảo rằng A sẽ không thể phủ nhận việc đã nhận thông báo này).

Thứ ba, Công ty X cần đảm bảo rằng A không thuộc một trong số các trường hợp đặc biệt mà người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động được quy định tại Điều 39 Bộ Luật Lao động 2012.

Trên đây là ý kiến pháp lý của Công ty Luật chúng tôi.

Nếu còn thắc mắc vui lòng liên hệ số điện thoại 08.6286.3477 để được tư vấn trực tiếp.

Xin chân thành cám ơn.