Hỏi: Luật sư cho hỏi về trường hợp của người đang bị nhiễm vi rút Covid-19 mà có hành vi không khai báo trung thực làm lây lan dịch Covid-19 đến cộng đồng thì bị xử lý như thế nào?
Trả lời: Đối với trường hợp người đang bị nhiễm hoặc có dấu hiệu bị nhiễm vi rút Covid-19 mà có hành vi không khai báo trung thực về tình trạng sức khỏe, quá trình di chuyển, lưu trú, tiếp xúc dẫn đến lây lan dịch bệnh sẽ bị xử lý như sau:
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg ngày 26/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ thì bệnh Covid-19 thì được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A, cụ thể:
“Điều 3. Phân loại bệnh truyền nhiễm
- Bệnh truyền nhiễm gồm các nhóm sau đây:
- a) Nhóm A gồmcác bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểmcó khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê – bô – la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.
…”.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì các hành vi sau đây bị nghiêm cấm:
“Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm
- Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
- Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
- Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
- Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.
- Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.
- Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.
- Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.
Do đó, hành vi của người đang bị nhiễm hoặc có dấu hiệu bị nhiễm vi rút Covid-19 đã có dấu hiệu vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm tại theo quy định tại Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự, cụ thể:
- Quy định về xử lý vi phạm hành chính:
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 10.000.000 đồng, cụ thể:
“Điều 10. Vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế
…
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
…
- b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
…”.
- Quy định về xử lý trách nhiệm hình sự:
Hành vi làm lây lan vi rút Covid-19 cho người khác còn có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trường hợp dẫn đến hậu quả: (i) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; và/hoặc (ii) Làm chết người, thì có thể sẽ bị phạt tù lên đến 10 năm.
Trường hợp dẫn đến hậu quả: (i) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; (ii) Làm chết 02 người trở lên, thì có thể sẽ bị phạt tù lên đến 12 năm.
Do đó, để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra cho cộng đồng và cho bản thân, mọi người cần thực hiện nghiêm túc việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tuân thủ hướng dẫn, yêu cầu của Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương về khai báo y tế, cách ly, điều trị bệnh Covid-19.