Tình trạng công khai mua bán trái phép thông tin cá nhân của hàng triệu người như tên tuổi, số điện thoại và thậm chí cả thu nhập hay số dư tài khoản ngân hàng,… dù bị nghiêm cấm vẫn ngang nhiên diễn ra từ nhiều năm nay. Không chỉ là chuyện quấy rối, làm phiền, hậu quả của việc để lộ thông tin cá nhân là rất nguy hiểm, đặc biệt nếu rơi vào tay kẻ gian có thể dẫn đến hành vi làm giả thẻ tín dụng ngân hàng, thậm chí là những vụ tống tiền, bắt cóc,…
Hôm nay, TP LAW sẽ thông tin đến Quý bạn đọc các quy định pháp luật có thể được áp dụng đối với hành vi mua bán trái phép thông tin cá nhân.
Căn cứ khoản 5 Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng 2015 thì “thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân” là hành vi bị cấm.
Bên cạnh đó, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Do đó, các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm Hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm Hình sự và nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Về xử phạt vi phạm Hành chính:
Căn cứ khoản 3, khoản 5 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt với các hành vi vi phạm về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin có thể bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 (mười triệu) đồng đến 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng đối với hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo pháp luật; Phạt tiền từ 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng đến 70.000.000 (bảy mươi triệu) đồng với việc mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn có thể phải khắc phục hậu quả như buộc hoàn trả hoặc buộc thu hồi số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm, buộc thu hồi đầu số, kho số viễn thông đối với hành vi vi phạm.
Về truy cứu trách nhiệm Hình sự:
Hành vi mua bán trái phép thông tin cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm Hình sự theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tộiĐưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Theo đó, người có hành vi mua bán trái phép thông tin cá nhân có thể bị xử phạt tiền từ 30.000.000 (ba mươi triệu) đồng đến 1.000.000.000 (một tỷ) đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm. Ngoài ra, người thực hiện hành vi còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trên đây là các quy định pháp luật liên quan có thể được áp dụng đối hành vi mua bán trái phép thông tin cá nhân. Mọi thắc mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý liên quan đến vấn đề trên vui lòng liên lạc TP LAW để được tư vấn miễn phí theo thông tin sau: E-mail: thanh.tplaw@gmail.com hoặc Điện thoại: 028 3831 3123 hoặc đến trực tiếp trụ sở Công ty theo địa chỉ: 203/6/1 Huỳnh Văn Nghệ, P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM./.
Chuyên viên pháp lý: BÙI VĂN LƯỢNG