Gần đây, TP LAW nhận được rất nhiều câu hỏi từ Quý bạn đọc liên quan đến việc người lao động nghỉ ốm đau được hưởng những quyền lợi gì? Với mong muốn người lao động hiểu đồng thời có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình, hôm nay, chúng tôi sẽ dựa trên quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và các văn bản pháp luật liên quan để giải đáp thắc mắc nêu trên của các bạn.
Trường hợp người lao động và người sử dụng lao động có ký kết hợp đồng lao động và có tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) thì khi nghỉ ốm đau, người lao động sẽ được hưởng những quyền lợi như sau:
Người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do người lao động nghỉ ốm đau.
Căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 39 Bộ luật Lao động năm 2012 thì người sử dụng lao động không được thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang phải điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Tuy nhiên, luật có loại trừ trường hợp được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động như sau:
“b. người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục”.
Như vậy, nếu người lao động ốm đau phải nghỉ điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cở sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền mà thời gian điều trị không thỏa mãn điểm b khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012 thì người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật lao động trong thời gian người lao động nghỉ ốm đau.
Khi quy định về nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động thì điểm a khoản 4 Điều 123 Bộ luật Lao động năm 2012 nêu rõ không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian “Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động”.
Do đó, người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật lao động trong thời gian người lao động nghỉ ốm đau.
Người lao động được hưởng chế độ ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Trường hợp người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 24 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như người lao động theo hợp đồng lao động; cán bộ, công chức, viên chức… bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế; không thuộc trường hợp ốm đau, tai nạn do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:
Thời gian hưởng chế độ ốm đau: tùy thuộc vào đối tượng áp dụng và tổng thời gian đóng BHXH mà áp dụng quy định của Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 để xác định thời gian hưởng chế độ ốm đau;
Mức hưởng chế độ ốm đau: theo quy định tại điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2016 thì mức hưởng chế độ ốm đau tối thiểu là 75%, tối đa là 100% mức tiền lương đóng BHXH tháng liền kề trước khi nghỉ. Nếu người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH. Mức hưởng chế độ ốm đau trong trường hợp này là từ 50% đến 65% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc, tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH;
Ngoài ra, người lao động còn có thể được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau theo quy định tại Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Trên đây là quy định pháp luật liên quan nhằm trả lời câu hỏi của Quý độc giả về việc người lao động nghỉ ốm đau được hưởng những quyền lợi gì? Tuy nhiên, đây chỉ là quy định chung nhất, còn quyền lợi cụ thể của người lao động còn tùy thuộc vào từng trường hợp. Do đó, nếu Quý độc giả đang gặp khó khăn tương tự thì hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn chi tiết. Mọi thắc mắc và/hoặc cần hỗ trợ pháp lý liên quan đến vấn đề khiếu nại vui lòng liên lạc TPLAW để được tư vấn miễn phí theo thông tin sau: E-mail: thanh.tplaw@gmail.com hoặc Điện thoại: 0903 805 552 hoặc đến trực tiếp trụ sở Công ty theo địa chỉ: 203/6/1 Huỳnh Văn Nghệ, P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM./