Giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) là một trong các giao dịch liên quan đến QSDĐ phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều trường hợp chuyển nhượng QSDĐ không đúng với các quy định pháp luật dẫn đến các rủi ro và thiệt hại cho các Bên tham gia giao dịch, đặc biệt Bên nhận chuyển nhượng. Trong nội dung Bài viết này, TP LAW sẽ thông tin đến Quý Bạn đọc một vài lưu ý quan trọng khi nhận chuyển nhượng QSDĐ.
Thứ nhất, thông tin về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định về điều kiện chuyển nhượng QSDĐ như sau:
“Điều 188. Điều kiện thực hiện chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất
- Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
- a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
- b) Đất không có tranh chấp;
- c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- d) Trong thời hạn sử dụng đất.
…”
Để kiểm tra thông tin về điều kiện chuyển nhượng trên, Bên nhận chuyển nhượng có thể liên hệ Văn phòng đăng ký đất đai/Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại nơi có bất động sản để được hỗ trợ kiểm tra, về thời hạn sử dụng đất có thể kiểm tra thông tin ngay trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (GCN QSDĐ).
Thứ hai, thông tin về quy hoạch.
Thực tế có rất nhiều trường hợp sau khi đã nhận chuyển nhượng và cho đến khi bắt đầu tiến hành thủ tục pháp lý cần thiết để xây dựng nhà, công trình,… thì Bên nhận chuyển nhượng mới phát hiện QSDĐ nằm trong quy hoạch đã được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, dẫn đến việc chưa thể được cấp phép để xây dựng theo quy định của pháp luật. Để hạn chế rủi ro trên, trước khi xác lập giao dịch chuyển nhượng QSDĐ, Bên nhận chuyển nhượng nên tìm hiểu thông tin quy hoạch của thửa đất thông qua việc gửi văn bản hoặc liên hệ trực tiếp đến Văn phòng đăng ký đất đai/Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có bất động sản để đề nghị cung cấp thông tin. Hiện nay, nhiều địa phương đã có hệ thống dữ liệu điện tử về quy hoạch, người dân quan tâm có thể tìm hiểu thông qua những trang thông tin điện tử này.
Thứ ba, thông tin tài sản gắn liền với đất.
Thực trạng xây dựng ở nước ta hiện nay rất nhiều trường hợp xây dựng nhà, công trình mà không xin cấp Giấy phép xây dựng theo đúng quy định hoặc xây dựng không đúng Giấy phép xây dựng đã được cấp. Việc này ảnh hưởng đến quá trình chuyển nhượng QSDĐ
Thứ tư, thông tin về Bên chuyển nhượng.
Việc nắm được thông tin của Bên chuyển nhượng không những tạo nên sự tin tưởng khi tham gia giao dịch mà còn là để đảm bảo tính pháp lý cho các Bên. Trường hợp người tham gia giao dịch là người đứng tên trên GCN QSDĐ thì cần xác minh đúng thông tin về người đó; trường hợp người tham gia giao dịch là người được ủy quyền của người đứng tên trên GCN QSDĐ thì cần bổ sung Văn bản ủy quyền ó công chứng, chứng thực hợp lệ; trường hợp người tham gia giao dịch là người được hưởng thừa kế cần xác định đã được khai nhận di sản thừa kế trước khi chuyển nhượng hay chưa,….
Thứ năm, đối chiếu, kiểm tra thông tin thửa đất trên GCN so với vị trí thực địa của thửa đất.
Sau khi kiểm tra thông tin thửa đất trên GCN được Bên chuyển nhượng cung cấp, Bên nhận chuyển nhượng nên đi kiểm tra thực tế để xác định lại thông tin về QSDĐ như: diện tích thực tế so với GCN; đường trước thửa đất hoặc lộ giới,… để đảm bảo cho vị trí đất đã trao đổi trên GCN QSDĐ và thực tế là một thửa đất.
Trên đây là một số vấn đề Bên nhận chuyển nhượng cần lưu ý trước khi tiến hành nhận chuyển nhượng QSDĐ. Mọi thắc mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý liên quan đến vấn đề trên vui lòng liên lạc TP LAW để được tư vấn miễn phí theo thông tin sau: E-mail: thanh.tplaw@gmail.com hoặc Điện thoại: 028 3831 3123 hoặc đến trực tiếp trụ sở Công ty theo địa chỉ: 203/6/1 Huỳnh Văn Nghệ, P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM./.
Chuyên viên pháp lý: LÊ VĂN HOÀN