Bộ luật Tố tụng hình sự được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015 và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018. Có thể nói, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015) đã kế thừa và phát triển các quy định về pháp luật tố tụng hình sự giai đoạn trước và đã có những sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Hiến pháp 2013, cũng như công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta.
Một trong những chế định quan trọng trong tố tụng hình sự là quy định về sự tham gia của người bào chữa cho người bị buộc tội; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Tuy nhiên, quy định về các chủ thể này trong BLTTHS 2015 chưa thực sự thống nhất, gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình áp dụng trong thực tiễn.
Đối với thủ tục đăng ký tham gia bào chữa cho người bị buộc tội: So với BLTTHS 2003 thì BLTTHS 2015 đã quy định riêng về thủ tục đăng ký bào chữa tại Điều 78 BLTTHS 2015. Đồng thời, tại BLTTHS 2003 thì người bào chữa phải thực hiện thủ tục đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng để được xem xét và được cấp Giấy chứng nhận bào chữa; tuy nhiên BLTTHS 2015 quy định người bào chữa phải đăng ký bào chữa (kèm theo hồ sơ, tài liệu theo quy định), sau đó được vào sổ đăng ký bào chữa và được Cơ quan tiến hành tố tụng cấp thông báo người bào chữa nếu đủ giấy tờ quy định. Do đó, hiện nay thay vì được cấp Giấy chứng nhận bào chữa thì người bào chữa được Cơ quan tiến hành tố tụng ban hành Thông báo người bào chữa, đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình cải cách tư pháp, qua đó xóa bỏ cơ chế xin – cho (cấp Giấy chứng nhận bào chữa) người bào chữa với các Cơ quan tiến hành tố tụng. Thay vào đó, khi người bào chữa đã thực hiện đầy đủ thủ tục theo luật định thì Cơ quan tiến hành tố tụng phải gửi văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa trong thời hạn 24 giờ khi nhận đủ giấy tờ quy định.
Có thể thấy, BLTTHS 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục tham gia bào chữa trong vụ án hình sự. Quy định trên là căn cứ quan trọng để người bào chữa tham gia vụ án trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, góp phần giảm thiểu oan sai trong các vụ án hình sự , qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội.
Đối với thủ tục tham gia bảo vệ trong vụ án hình sự: So với thủ tục đăng ký tham gia bào chữa thì thủ tục đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự trong vụ án hình sự hiện nay chưa được quy định rõ ràng tại BLTTHS 2015. Cụ thể tại Điều 83 quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và Điều 84 quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự không có bất kỳ quy định, hướng dẫn cụ thể về thủ tục đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự trong vụ án hình sự, cũng như thời hạn giải quyết việc đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan.
Với quy định trên, BLTTHS 2015 đã gây rất nhiều khó khăn cho đội ngũ luật sư, bào chữa viên nhân dân, người đại diện, trợ giúp viên pháp lý khi thực hiện các thủ tục đăng ký để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quy định tại Điều 83, Điều 84 BLTTHS 2015. Thậm chí có trường hợp Cơ quan tiến hành tố tụng ban hành “nhầm” Thông báo người bào chữa cho luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại trong vụ án hình sự, có thể thấy Cơ quan tiến hành tố tụng cũng có phần lúng túng, rập khuôn trong việc áp dụng các quy định, biểu mẫu thông báo để người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có thể tham gia trong quá trình giải quyết vụ án. Từ những vấn đề thực tiễn trên, một vấn đề đặt ra là phải chăng Quốc hội trong quá trình xây dựng BLTTHS 2015 đã “bỏ quên” thủ tục đăng ký tham gia bảo vệ trong vụ án hình sự. Thực tế trong vụ án hình sự, cũng giống như người bị buộc tội, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự trong vụ án hình sự cũng là một chủ thể cần được bảo vệ trước pháp luật, cần sự hỗ trợ pháp lý từ đội ngũ luật sư, bào chữa viên nhân dân, người đại diện, trợ giúp viên pháp lý.
Thiết nghĩ, để góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trên, cũng như “chuẩn hóa” thủ tục đăng ký tham gia bảo vệ trong vụ án hình sự cần có quy định cụ thể hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo vệ, thời hạn Cơ quan tiến hành tố tụng phải thông báo người bảo vệ cho người đăng ký.
Chuyên viên pháp lý: LÊ QUỐC VIỆT