028.3831.3123

PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG – RANH GIỚI MONG MANH TỪ NẠN NHÂN TRỞ THÀNH BỊ CÁO

Ngày 13/07/2020, TAND Q.Tân Phú mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Nguyễn Hùng Hải (một tài xế xe ôm công nghệ sinh năm 1997) bị Cơ quan cảnh sát điều tra công an quận Tân Phú khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 do đã có hành vi chống trả/phòng vệ (bị coi là quá mức cần thiết) để thoát thân khi bị một người đàn ông say xỉn ngang nhiên tấn công dồn dập một cách vô cớ và hậu quả dẫn đến việc người đàn ông này tử vong.

Năm 2017, TAND TP.Hà Nội cũng mở phiên tòa xét xử bị cáo Lê Minh Phương (SN 1967, trú tại phường Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) với hình phạt lên đến 9 năm tù do đã có hành vi chém một kẻ trộm đột nhập trái phép vào nhà của mình khiến nạn nhân bị thương tật 95%.

Trước tình hình khi mà các vụ án giết người, cướp của xảy ra ngày càng nhiều và mức độ nguy hiểm ngày càng cao, không ít vụ án, nhiều bị cáo ban đầu chính là các nạn nhân, do có hành vi chống trả bị coi là quá mức cần thiết và bị truy cứu trách nhiệm hình sự, câu hỏi được nhiều người quan tâm “Làm sao để phòng vệ đúng luật khi tính mạng và tài sản của bản thân bị tấn công/xâm phạm?”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì: “1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc li ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm…”.

Vậy có thể hiểu một hành vi được coi là phòng vệ chính đáng khi hội tụ đủ các yếu tố sau:

Thứ nhất: Hành vi nguy hiểm cho xã hội là các hành vi đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần được bảo vệ. Nếu hành vi gây nguy hiểm chưa bắt đầu hoặc đã kết thúc thì mọi hành vi chống trả sẽ không được coi là hành vi phòng vệ chính đáng.

Thứ hai: Phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả lại một cách cần thiết đối với người đang có hành vi gây nguy hiểm, thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thật sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần bảo vệ.

Theo đó, phòng vệ chính đáng không bị coi là tội phạm và người phòng vệ chính đáng không phải chịu trách nhiệm hình sự bởi hành vi phòng vệ của mình. Tuy nhiên, không phải hành vi chống trả nào cũng được coi là phòng vệ chính đáng và không phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 : “2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy him cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

Vậy có thể hiểu hành vi phòng vệ và hành vi tấn công phải có tính chất và mức độ tương xứng với nhau, trường hợp hành vi phòng vệ vượt quá mức cần thiết thì có thể bị truy cứu trách nhiệm về các tội như mọi hành vi phòng vệ vượt quá mức cần thiết có thể bị xử lý hình sự ở các tội như: Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 126); Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 136);…

Hành vi phòng vệ như thế nào được coi là cần thiết, tương xứng thì hiện nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn, giải thích. Trên thực tế, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn áp dụng Nghị Quyết 02-HĐTP-TANDTC/QĐ của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 05/01/1986 để giải thích tính chất tương xứng của hành vi phòng vệ và hành vi tấn công. Theo đó, để đánh giá sự tương xứng giữa 2 loại hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ phải xem xét, đánh giá một cách khách quan toàn diện các tình tiết sau: tương quan lực lượng giữa 2 bên tấn công và bên phòng vệ; Công cụ, phương tiện 2 bên sử dụng; Cường độ, thái độ của sự tấn công, nhân thân người tấn công; Mức độ, hậu quả của 2 hành vi gây ra hoặc đe dọa gây ra; Thời gian, địa điểm nơi sự việc xảy ra…

Tuy nhiên, trên thực tế, khi rơi vào những tình huống cấp thiết, tính mạng và tài sản của bản thân, gia đình bị tấn công, xâm phạm nghiêm trọng, không ít người đã không giữ được sự bình tĩnh, kiểm soát được hành vi của mình để đưa ra những sự chống trả phù hợp dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Thanh – Giám đốc Công ty Luật Thanh và Cộng sự, để tránh rơi vào những hoàn cảnh đáng tiếc như trên, ngoài việc giữ bình tĩnh, tránh hoảng loạn, cố gắng kiểm soát được hành vi chống trả của mình, mỗi người chúng ta nên trang bị thêm nhiều kiến thức pháp lý, đồng thời cập nhật, trang bị thêm các kỹ năng xử lý cho các tình huống nhất định để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.