
Hỏi: Chào Luật sư, tôi là người Việt Nam, chồng tôi là người nước ngoài. Chúng tôi đã đăng ký kết hôn ở nước của chồng tôi. Tôi được biết là tôi cần phải thực hiện thủ tục ghi nhận sự kết hôn của tôi tại Việt Nam. Tôi muốn biết rõ về thủ tục này, nhờ Luật sư tư vấn. Cảm ơn.
Đáp: Chào Chị! Trước tiên, TP LAW cảm ơn Chị vì đã tin tưởng tìm đến Chúng tôi để giải đáp thắc mắc.
Thủ tục mà Chị đề cập trong câu hỏi của Chị là thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn của Công dân Việt Nam đã được giải quyết ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là thủ tục “Ghi chú kết hôn”). Đối với thủ tục này, Chúng tôi thông tin đến Chị một số quy định như sau:
- Thẩm quyền (Điều 48 Luật Hộ tịch 2014):
Thẩm quyền thực hiện thủ tục Ghi chú kết hôn thuộc về Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam
- Điều kiện (Điều 34 Nghị định 123/2015/NĐ-CP):
Tại thời điểm kết hôn, các bên đáp ứng đủ điều kiện kết hôn và không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam.
Lưu ý, trường hợp vào thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, việc kết hôn không đáp ứng điều kiện kết hôn, nhưng không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, nhưng vào thời điểm yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn, hậu quả đã được khắc phục hoặc việc ghi chú kết hôn là nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam và trẻ em, thì việc kết hôn cũng được ghi vào Sổ hộ tịch.
- Hồ sơ (khoản 1 Điều 35 Nghị định 123/2015/NĐ-CP):
Hồ sơ ghi chú kết hôn do một trong hai bên kết hôn nộp tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 của Luật Hộ tịch, gồm các giấy tờ sau đây:
- a) Tờ khai theo mẫu quy định;
- b) Bản sao Giấy tờ chứng nhận việc kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;
- c) Ngoài giấy tờ quy định tại mục a và b nêu trên, tùy từng trường hợp mà người yêu cầu thực hiện thủ tục còn phải nộp các giấy tờ sau:
– Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì còn phải nộp bản sao giấy tờ của cả hai bên nam, nữ ( hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng);
– Trường hợp là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì phải nộp trích lục về việc đã ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn theo quy định.
- Thời hạn (khoản 2 Điều 35 Nghị định 123/2015/NĐ-CP):
Thời hạn giải quyết ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn là 05 ngày làm việc, kể từ ngày Phòng Tư pháp tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 10 ngày làm việc.
- Từ chối ghi vào sổ việc kết hôn (Điều 36 Nghị định 123/2015/NĐ-CP):
Yêu cầu ghi vào sổ việc kết hôn bị từ chối nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- a) Việc kết hôn vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
- b) Công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam.
Trên đây là một số quy định pháp luật liên quan đến thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn của Công dân Việt Nam đã được giải quyết ở nước ngoài. Mọi thắc mắc và/hoặc cần hỗ trợ pháp lý liên quan đến vấn đề này vui lòng liên lạc TP LAW để được tư vấn theo thông tin sau: E-mail: thanh.tplaw@gmail.com hoặc Điện thoại: 028. 3831 3123 hoặc đến trực tiếp trụ sở Công ty theo địa chỉ: 203/6/1 Huỳnh Văn Nghệ, P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM./.
Chuyên viên pháp lý: TRẦN THỊ THU THẢO