Tháng 07/2017, tôi bị ốm phải nhập viện 03 ngày, tôi có xin Công ty nghỉ ốm. Sau khi trở lại làm việc, tôi nộp Giấy xuất viện của Bệnh viện cấp cho phòng nhân sự để làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau của bảo hiểm; tuy nhiên phòng nhân sự trả lời là người lao động phải tự mình thực hiện thủ tục này. Vậy theo quy định của pháp luật thì Công ty hay tôi làm thủ tục với cơ quan bảo hiểm về chế độ ốm đau và mức hưởng chế độ ốm đau đối với tôi như thế nào trong thời gian tôi nghỉ ốm (lương của tôi tại thời điểm nghỉ ốm là 8.000.000 đồng/tháng)?
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc đến Công ty luật TNHH Thanh & Cộng sự. Căn cứ nội dung mà bạn cung cấp, chúng tôi xin trả lời như sau:
Thứ nhất, về chủ thể thực hiện thủ tục hưởng chế độ ốm đau cho người lao động
Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm “Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội”.
Bạn nghỉ ốm 03 ngày, có xin phép Công ty và Giấy xuất viện của Bệnh viện nơi bạn điều trị; như vậy bạn đủ điều kiện để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội 2014, cụ thể:
“Điều 25. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau
- Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế”.
“Điều 26. Thời gian hưởng chế độ ốm đau
- Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:
a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;
b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên”.
Do đó, trong trường hợp này người sử dụng lao động (Công ty) phải có trách nhiệm lập hồ sơ hưởng chế độ ốm đau cho bạn.
Thứ hai, về mức hưởng chế độ ốm đau
Theo quy định tại khoản 1 điều 28 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng chế độ ốm đau được quy định như sau:
“Điều 28. Mức hưởng chế độ ốm đau
- Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 26, Điều 27 của Luật này thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc”.
Căn cứ nội dung bạn trình bày thì mức lương của bạn được hưởng tại thời điểm nghỉ là 8.000.000 đồng/tháng. Do bạn chưa trình bày rõ cho nên chúng tôi giả định rằng mức lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ ốm đau của bạn là 8.000.000 đồng.
Căn cứ quy định khoản 1 Điều 28 Luật bảo hiểm xã hội 2014 và hướng dẫn tại Điều 6 của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì mức hưởng chế độ ốm đau của bạn được tính như sau:
Mức hưởng chế độ ốm đau | = | Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc | x 75 (%) x | Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau |
24 ngày |
= (8.000.000 đồng/24 ngày) x 75(%) x 03 = 750.000 đồng.
Nếu còn thắc mắc, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại 02.862.863.477 để được tư vấn trực tiếp
Chuyên viên pháp lý: LÊ QUỐC VIỆT