028.3831.3123

TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015

Trong thời gian vừa qua, dư luận cả nước đang xôn xao vì các vụ án hình sự liên quan đến hoạt động ngân hàng như: Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.911 tỷ đồng xảy ra tại Vietinbank; Giám đốc phòng giao dịch Hoà Hưng, Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi ôm 17 tỷ đồng bỏ trốn; Đại án Phạm Công Danh; Vụ án ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên phó giám đốc Ngân hàng Eximbank chi nhánh TP.HCM ôm 245 tỷ đồng bỏ trốn,…

ngan-hang_BGETNgân hàng giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết nền kinh tế hiện nay, đây là kênh huy động vốn lớn nhất của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Chính bởi vì vai trò lớn trong nền kinh tế và là nơi lưu giữ nhiều tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân cho nên đây cũng là nơi dễ dẫn đến các hành vi vi phạm các hoạt động ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Tuỳ hành vi cụ thể của người phạm tội có thể dẫn đến cấu thành các tội khác nhau, trong phạm vi bài viết này TPLAW xin giới thiệu đến bạn đọc Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng được quy định tại Điều 206 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, cụ thể các hành vi sau có thể cấu thành tội phạm trên:

–           Cấp tín dụng cho trường hợp không được cấp tín dụng, trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng;

–           Cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định của pháp luật;

–           Vi phạm quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng;

–           Cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng đối với trường hợp phải có tài sản bảo đảm;

–           Vi phạm quy định của pháp luật về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng;

–           Cấp tín dụng vượt giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp có chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

–           Vi phạm quy định của pháp luật về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng;

–           Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả;

–           Kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép;

–           Tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng.

Đối với các hành vi trên, tuỳ thuộc vào mức độ gây thiệt hại về tài sản cụ thể mà người phạm tội có thể chịu hình phạt lên đến 20 năm tù.

Để ngăn chặn, cũng như hạn chế rủi ro trong việc gửi – giữ tiền và bảo đảm hoạt động tín dụng minh bạch và an toàn hơn cho khách hàng, các ngân hàng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các giao dịch, giấy tờ thực hiện giao dịch,….trong hoạt động nội bộ. Về phía khách hàng gửi tiền tại ngân hàng, cần thường xuyên đối chiếu các khoản tiền gửi tại ngân hàng trong sổ sách so với thực tế, lựa chọn các ngân hàng uy tín để gửi tiền, kịp thời báo cáo với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm hoạt động ngân hàng, rà soát cẩn thận khi ký các chứng từ, tuyệt đối không ký vào các chứng từ bỏ trống nội dung hoặc không thể hiện nội dung liên quan đến giao dịch,…

                                                                        QUỐC VIỆT – THUỲ DƯƠNG