Theo quy định pháp luật hiện hành thì sau khi ly hôn con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Tại khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP ngày 16/5/2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình thì người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con là trường hợp người mẹ thuộc một trong những trường hợp sau đây:
– Mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị bệnh nặng khác mà không thể tự chăm sóc bản thân hoặc không thể trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
– Có thu nhập mỗi tháng thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người mẹ đang cư trú và không có tài sản nào khác để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
– Người mẹ không có điều kiện về thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Bên cạnh đó, theo nội dung của Án lệ số 54/2022/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 07/9/2022 về xác định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trường hợp người mẹ không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Theo đó, trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người mẹ tự ý bỏ đi từ khi con còn rất nhỏ, không quan tâm đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; người con được người cha nuôi dưỡng, chăm sóc trong điều kiện tốt và đã quen với điều kiện, môi trường sống đó. Trong trường hợp này nếu giao con cho người mẹ nuôi dưỡng sẽ gây xáo trộn, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của con, do đó việc giao con cho người cha tiếp tục trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con là phù hợp, có căn cứ.
Như vậy, không phải trong mọi trường hợp sau khi ly hôn, con dưới 36 tháng tuổi đều giao cho người mẹ trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục.
Trên đây là ý kiến pháp lý của TP LAW.
Mọi thắc mắc và/hoặc cần hỗ trợ pháp lý vui lòng liên lạc TP LAW để được tư vấn theo thông tin sau:
E-mail: thanhvacongsu.tplaw@tplaw.vn hoặc điện thoại: (028) 3831 3123 hoặc đến trực tiếp trụ sở Công ty theo địa chỉ: 203/6/1 Huỳnh Văn Nghệ, P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM./.
Chuyên viên pháp lý NGUYỄN VŨ NGỌC NGÀN