Báo Tuổi trẻ online vừa đưa tin về tình hình hàng loạt Ngân hàng đang ráo riết thu giữ tài sản bảo đảm sau khi Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN tiên phong trong việc thu giữ tài sản của Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower (quận 1, TP.HCM).
Cụ thể, kể từ cuối tháng 8 đến nay, Ngân hàng Techcombank đã thông báo thu giữ 32 tài sản bảo đảm là bất động sản và xe của cá nhân và tổ chức do vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký. Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) thuộc ngân hàng Agribank cũng thông báo kế hoạch thu giữ tài sản bảo đảm của công ty Vinalines Đông Đô là trạm biến áp tại xã Tam Hưng, xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng. Nhiều ngân hàng khác cũng cho biết đang lên danh sách và thông báo cho bên vay trước khi thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm theo đúng quy định mới của pháp luật.
Đây là kết quả của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vừa có hiệu lực vào ngày 15/08/2017 với nhiều điểm mới liên quan đến việc thu giữ tài sản bảo đảm. Đặc biệt, Điều 7 của Nghị quyết 42 quy định: “Trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều này”.
Với quy định nêu trên, Nghị quyết này cho phép Ngân hàng được thu giữ tài sản bảo đảm mà không cần phải thông qua tòa án để giải quyết tranh chấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các chủ nợ nói chung và các Ngân hàng nói riêng.
Đồng thời, Nghị quyết cũng quy định cụ thể các điều kiện mà Ngân hàng cần đáp ứng khi tiến hành thu giữ tài sản như sau:
Thứ nhất, khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015.
Cụ thể, đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; và trường hợp khác theo thỏa thuận hoặc luật có quy định.
Thứ hai, tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật.
Thứ ba, giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm đã đăng ký theo quy định pháp luật.
Thứ tư, tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại tòa án có thẩm quyền; không đang bị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định tại Nghị quyết.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định rõ thời hạn và trách nhiệm của Ngân hàng trong việc công khai thông tin về thời gian, địa điểm thu giữ, tài sản bảo đảm được thu giữ, lý do thu giữ cho bên bảo đảm và các cơ quan Nhà nước có liên quan. Các quy định này nhằm đảm bảo tính chặt chẽ cho quá trình thu giữ, tránh nguy cơ xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự xã hội và tránh việc thu giữ tài sản làm xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án nếu đáp ứng đủ các điều kiện luật định, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu của nền kinh tế.
Thật ra trước đây, quyền thu giữ tài sản bảo đảm của Ngân hàng đã được ghi nhận cụ thể tại Điều 63 Nghị định 163/2006/NĐ–CP. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 163 có hiệu lực, các Ngân hàng vẫn gặp trở ngại trong quá trình nhận, thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm trên thực tế, bởi lẽ chỉ cần có sự chống đối, bất hợp tác từ chủ tài sản thì Ngân hàng sẽ không thể thực hiện việc thu giữ mà phải đối mặt với một tiến trình tố tụng kéo dài, mất nhiều chi phí và thời gian mới xử lý được tài sản bảo đảm, kéo theo đó là sự quá tải của hệ thống tòa án khi xử lý các vụ kiện thu hồi nợ của Ngân hàng.
Chuyên viên pháp lý: TRẦN BẢO NGỌC